TỰ SỰ VỀ MỘT NGƯỜI MẤT GỐC TIẾNG ANH

Lang thang trên facebook và tình cờ mình đọc được bài note này. Vì mình thấy cách mà anh này rất giống với cách mà mình đã và đang làm để cải thiện tiếng anh của mình. Thực sự mình cảm thấy tiến bộ rõ rệt. Nếu bạn đang loay hoay với tiếng anh thì bạn nến tham khảo bài note này.
Hãy chia sẻ nó cho những người bạn nghĩ là nó sẽ có ích. Share to be shared !




Here we go -->

Tại sao tôi viết?

Một là để chia sẻ những kinh nghiệm, trăn trở và cả những hồi ức của bản thân trong những năm tháng "lăn lóc", vật lộn với tiếng anh. Dẫu biết, kinh nghiệm có thể chỉ đúng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh và từng điều kiện khác nhau và thuốc có thể hợp với người này không hợp với người kia nhưng âu cũng là nỗi lòng mong muốn thắp lên chút hi vọng cho các bạn đã và đang cảm thấy chán nản và mệt mỏi với Tiếng Anh.

Hai là, qua những câu chuyện mình sắp kể ra có thể giúp các bạn nhìn thấy đâu đó “hình ảnh” của chính mình, để các bạn có thêm niềm tin rằng: “Các bạn không hề đơn độc trong cuộc chiến này". Bên cạnh các bạn đã và đang và còn rất nhiều người rơi vào tình cảnh đó (trong đó có mình), vì vậy hãy tin rằng không chỉ mình mà còn rất nhiều người khác nữa.

Ba là, hi vọng truyền được chút động lực và cảm hứng cho các bạn, nếu đọc xong note này mà các bạn cảm thấy hưng phấn hơn, tự tin hơn thì nó đã là niềm động viên rất lớn cho mình rồi


Có thể bạn chỉ mất 15' để đọc bài note này nhưng để viết được ra nó mình đã phải mất 6 năm "đấu cật", "mò mẫm" với Tiếng Anh, và phải đánh đổi, trả giá bằng rất nhiều thứ "thời gian - sức lực - tiền bạc và cả những cơ hội" vì vậy các bạn hãy đọc thật chậm, thật chậm để cảm nhận và rút ra bài học cho mình.

GIAI ĐOẠN TIỂU HỌC

Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi mà từ nhỏ mình không được học Tiếng Anh. Thời đó, nhiều thành phố và thị trấn khác bắt đầu họcTiếng Anh từ Tiểu Học (nghe đâu bây giờ mầm non cũng đã học rồi), còn mình cùngvới những đứa bạn thì vẫn vui đùa với những buổi học đọc, nghe, tập viết chỉnh tả Tiếng Việt.

GIAI ĐOẠN THCS 

Đến năm lớp 6, khi bước chân vào trường cấp 2 mình mới bắt đầu biết là trên thế giới này có một ngôn ngữ khác ngoài Tiếng Việt là Tiếng Anh (thậm chí sau này lên tận lớp 9 mình không biết là người Anh và người Mỹ dùng chung một thứ tiếng) :D. Những buổi học đầu tiên với môn Tiếng Anh thật là vui và thú vị trong sự tò mò của một đứa trẻ. Hồi đó, bạn nào mà không thuộc 20 từ mới là bị cô giáo phạt về nhà chép mỗi từ 20 lần, còn mình thì buổi đầu tiên xung phong lên bảng viết được 20 từ mới được cô giáo tán dương và yêu cầu chia sẻ lại cách học từ. Vì lần đầu học 1 ngoại ngữ mới, cảm giác say sưa háo hứng, sáng nào cũng đọc rất to và chăm chỉ làm bài tập, mẹ mình rất vui khi thấy con mình thích học Tiếng Anh. Năm lớp 6, 7 mình tổng kết Tiếng Anh được trên 8.0 và 4 kỳ liên tiếp, bố mẹ mình đi đâu cũng khoe khoang con mình học giỏi Tiếng Anh, có vẻ như Tiếng Anh là một món đồ xa xỉ đắt tiền mà ai đeo được nó lên mình đều rất tự hào và hãnh diện. Chỉ có điều là sau này lên cấp 3, đại học mỗi lần xin tiền gia đình đi học Tiếng Anh là khuôn mặt bố mẹ mình lại thoáng chút buồn, chắc họ thất vọng về thằng con lắm, ngày xưa học giỏi là thế làm bố mẹ đi đâu cũng khoe còn giờ thì thấy suốt ngày xin tiền mà học hành chẳng nên thân :(

Lên tới lớp 8 thì không biết từ đâu có nguyên tắc là: Phải vào được trường cấp 3 chuẩn thì mới mong đỗ đại học. Vậy là, áp lực thi vào trường chuẩn trở nên rất lớn. Do vậy, việc học tiếng anh cũng bị xao nhãng đi rất nhiều. Thời gian này, bạn bè và thậm chí thầy cô đều tập trung vào những môn thi tốt nghiệp, tâm lý ôn thi rất nặng nề, chỉ có những môn thi tốt nghiệp sẽ được chú trọng, còn lại các môn khác đều bị coi như môn “thể dục”. Có lẽ thực tế này cũng diễn ra ở nhiều trường khác, thế nên dân tỉnh lẻ mới dốt Tiếng Anh vậy. Khi nghe tin từ thầy hiệu trưởng là năm nay chúng ta không phải thi Tiếng Anh (hỏi ra mới biết là do một số trường cấp hai trong thị xã chỉ mới học tiếng anh được vài năm). Và thế là,Toán – Lý – Hóa – Văn – Sinh được đầu tư nhiều thời gian, học trên lớp, học thêm ở trường, vẫn chưa đủ nên phải học thêm ở nhà thầy/cô nữa, Tiếng Anh mặc nhiên được hiểu là môn phụ. Vì thế trong 2 năm lớp 8 và lớp 9 gần như không có khái niệm học Tiếng Anh, bọn mình lên lớp là tranh thủ chép bài nhau, khi lên bảng viết từ mới thì toàn phải ngoái sái cổ ra sau để xin sự trợ giúp từ bạn bè, mỗi khi gọi lên bảng cầm một đoạn sách Tiếng Anh đọc (kiểm tra miệng) thật là khủng khiếp, vì toàn là từ mới, mà Tiếng Anh không biết thì có rặn cũng chẳng ra. Mấy đứa bạn bày cho mẹo nhỏ là: “khi lên bảng đọc thì cố gắng đọc thật nhanh, từ nào không biết cứ xí xa xí xố lướt qua nghe Tây Tây tý là ok”. Vậy là, cứ thành thói quen, lên bảng là mình đọc rất là nhanh. :))

GIAI ĐOẠN THPT

Cuối cùng thì 2 năm cuối của THCS cũng qua đi và mình đã đỗ vào trường như mong muốn. Lên cấp 3, không có một ai hay một sự kiện gì nhắc lại mình là học Tiếng Anh cả, ngày khai giảng vào lớp 10 thì cô hiệu trưởng đã đóng đinh vào đầu học sinh 2 từ “đại học” và thế là áp lực và không khí vào đại học bao trùm cả trường, mình học lớp chọn nên chỉ tiêu phải là 100% vô đại học do thầy chủ nhiệm đặt ra. Cô hiệu trưởng có lần vào lớp mình dạy thay một buổi Hoá học nói rằng: “Các em cứ tập trung Toán – Lý – Hóa mạnh vào, Tiếng Anh, Văn, Sử… không phải lo sẽ qua hết), thế là bọn mình nhẹ hết cả người và giáo viên của các môn không phải khối A (trong đó có Tiếng Anh) sẽ dễ dãi hơn khi kiểm tra miệng, ra đề dễ hơn cho lớp không chuyên.

Từ đó Tiếng Anh của mình ngày một tồi tệ, đến các mức mà mỗi giờ Tiếng Anh là ai làm việc người đó, người lấy bài tập Toán ra giải, người ngồi làm đề luyện thi khối A. Thú vui của mình trong mỗi tiết tiếng anh là vẽ bậy vô mấy bức ảnh trong sách giáo khoa tiếng anh. Có lẽ cái thời hào quang của tổng kết trên 8.0 đã lùi xa vào dĩ vãng và thay vào đó là những điểm 4, điểm 5,…đến nỗi nó đã trở thành thói quen.

Mỗi lần kiểm tra Tiếng Anh là dịp rất vui, cả lớp chỉ nhìn vào vài người giỏi tiếng anh (mấy đứa này muốn giỏi toàn diện để được cộng điểm vô đại học thời đó), cả lớp chép bài theo công nghệ dây chuyền, người này chép được câu nào thì người ngồi sau nhổm lên chép, và cứ thế chỉ cần một người làmđược là cả lớp làm được, giáo viên thì coi đó là gian lận thi cứ nhưng chúng mình thì gọi đó là tinh thần đồng đội. Mình vốn dĩ cẩn thận nên mỗi lần làm bài kiểm tra Tiếng Anh đều cố tình bỏ trống mấy câu hoặc đánh sai vài câu, vì sợ bị điểm 10 cô giáo nghi ngờ :)))

Cuối cùng vượt qua 3 năm cấp 3, những gì còn sót lại của môn Tiếng Anh vẫn là lõm bõm vài từ như “hello”, “goodbye”…mà thậm chí còn phát âm sai. Còn những cái như academic writing, speaking, listening…được coi là xa xỉ. Kỷ niệm đáng nhớ là tìm từ “lying” trong cuốn từ điển giấy mà tìm mãi không ra, hỏi ra mới biết từ “lying” là do “lie” khi chuyển sang thì hiện tại tiếp diễn đổi thành“lying” =)))

GIAI ĐOẠN ĐẠI HỌC

Sau khi nghe tin đỗ đại học – mình và bạn bè mình rất háo hức và sôi sục khí thế ra Thủ Đô học lại Tiếng Anh, mang theo nhiều hoài bão và khát vọng, nhưng than ôi chỉ có 3 từ “HỌC -TIẾNG - ANH” thôi mà sao nó khó và dài đến thế, hành trình chông gai, mệt mỏi, ngốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc nữa.

Khăn gói lên Thành Phố học tập, một trong những việc quan trọng phải làm sau khi tìm được chỗ trọ là mua sách, tìm chỗ học Tiếng Anh, mình lặn lội hỏi hết người này đến người khác, đọc đủ loại tờ rơi,… và cũng đã đăng ký nhiều khóa học Tiếng Anh, từ bình dân tới đắt tiền, từ nhà thầy cô cho tới trung tâm, song ngoảnh đi ngoảnh lại 4 năm đại học  đã trôi qua một cách chóng vánh mà tiếng anh của mình thì vẫn cứ lẹt đẹt, chẳng khác gì với năm thứ nhất là mấy, chả nói được câu gì cho ra hồn, cũng chả viết nổi một câu tiếng anh đơn giản. Đầu tiên mình học một khoá “Ngữ pháp căn bản” ở Cát Linh, rồi sau đó lại học 1 khoá Tiếng Anh Giao Tiếp ở Đại học Ngoại Ngữ, rồi một thời gian sau lại học một khoá Ngữ Pháp căn bản chỗ ai đó giới thiệu, tiếp tục lại học 1 khoá tiếng anh giao tiếp…. Và mãi đến khi gần ra trường rồi vẫn cứ học lại mấy cái đó.

Tôi thấy cảnh đứa bạn cùng phòng vừa đi học về đến nhà là vứt sách vở tiếp tục đi học Tiếng Anh ở Trung tâm luôn, tôi cũng lo lắng bồn chồn vì bản tính thấy họ học mà mình không học là lo, không yên tâm, chứ chẳng biết học để làm gì, mục tiêu là gì và liệu có ứng dụng được không? Tôi hỏi đứa bạn ngoại thương, sao phải học tiếng anh kinh thế, nó bảo trường FTU yêu cầu tiếng anh cao, phải đạt mấy trăm điểm Toeic gì đó (tôi cứ tròn xoe mắt, chẳng hiểu TOEIC là cái gì), và ở trong lớp bọn khối D giỏi tiếng anh, nó thi được 28,5 điểm giờ vô cái lớp thấy ngu và rất tự ti vì tiếng anh kém. Tôi mới hỏi nó học ở đâu thì được giới thiệu chỗ Trung tâm X, chao ôi, những ngày đầu tiên đi học vui biết bao, như sống lại thời đi ngày đầu học tiếng anh năm lớp 6 vậy, về tới nhà vứt xe đạp là bô bô Tiếng Anh "hello, how are you?" :)), đứa bạn Ngoại Thương cười và bảo "Cảm giác mới lần đầu học biết biết nên thấy hay vậy đó". Đúng như vậy thật, 1 tháng sau tôi thấy càng ngày càng chững lại không vui như lần trước nữa, mà cảm giác đầu như bị đơ. Thế là vứt đó chẳng học nữa.

Lúc đó tôi không có kỹ năng, không biết để giải quyết vấn đề này thì cần phải gặp - hỏi ai và làm như thế nào. Chỉ quanh quấn với mấy đứa bạn trong phòng mà thằng Ngoại thương thì do nó học tiếng anh trước tôi 6 tháng nên không theo được nó, thỉnh thoảng tôi mang vài bài ngữ pháp về hỏi thì anh chị và 2 đứa nó, thì đều bị bảo là "Tiếng Anh không phải là Toán, mày đừng tư duy quá, cứ thế không học được đâu". Lâu dần họ cũng chán và bất lực với trình độ tiếng anh của tôi, và sau này có hỏi, họ chỉ nói bâng quơ là "anh/chị/tao không biết nữa". Tôi thấy có lẽ Tiếng Anh không đơn giản như mình nghĩ.

Nhiều lức mình tự vấn: tại sao phấn đấu vào trường chuyên lớp chọn làm được, cố gắng vào Đại học làm được mà sao mỗi môn tiếng anh mà sao học hoài không lên được? Có lẽ nhiều người thế hệ mình cho tới bây giờ ai cũng thắc mắc câu hỏi đó? Họ toàn là những người cần mẫn, chăm chỉ học hành suốt 12 năm trời, thức không biết biết bao đêm để thi được với số điểm rất cao vào những trường top ten của Hà Nội, vậy mà sao Tiếng Anh lại không thể chinh phục được? Không thể nói họ không chăm chỉ, không thông minh, thậm chi đa số đều gia đình khá giả đầu tư cho con cái học Tiếng Anh đàng hoàng, bạn bè mình ngay khi ra Hà Nội nhiều đứa có xe máy đẹp, dế xịn, thuê phòng đắt và học các khoá tiếng anh không rẻ.

Có lẽ đến đây mình đã chính thức nói lời chia tay với Tiếng Anh, giấc mơ giỏi tiếng anh tan thành mây khói, mình và những đứa bạn hồi cấp 3 của mình gặp nhau chẳng ai muốn nhắc đến 2 từ "Tiếng Anh" như một sự thừa nhận cho một thất bại mà không hiểu nổi vì sao?!

GIAI ĐOẠN ĐI LÀM
Cho đến khi ra trường, bạn bè cùng cấp 3 và cùng giảng đường đại học tôi ngày xưa có lẽ từ bỏ tiếng anh phải đến 99%, không ai trong chúng tôi còn muốn nhắc lại chuyện Tiếng Anh nữa, ước mơ giỏi Tiếng Anh từ năm một cũng chết dần theo năm tháng

Sau khi ra trường ngay lập tức mình nhờ đứa bạn mua cho 2 chứng chỉ: Tin Học (B) và Tiếng Anh (C) bỏ vô hồ sơ xin việc (hình như giá lúc đó 200k, giờ còn rẻ hơn :)). Công việc cứ thế trôi qua, ngày lại ngày, vẫn thấy chẳng có tương lai gì, "cuộc sống không giống cuộc đời".

Trong một lần họp lớp thì bạn bè cùng ngồi lại với nhau thì những người bạn năm xưa ngồi cùng bàn với mình toàn chép bài mình khi thi, điểm thấp hơn mình rất nhiều thì toàn vô làm cho các hãng của Mỹ, Úc, Nhật, nhiều đứa trong số đó còn tổng kết dưới 6.0… vậy lương cao gấp 3 lần mình, điều kiện làm việc tốt hơn. Ngẫm mà thấy xót xa, chỉ một chút tiếng anh thôi mà sao sự khác biệt lại lớn như vậy.

Khi đi làm, mình nhận ra rằng cùng hai người có trình độ như nhau, nhưng những người có Tiếng Anh lương cao hơn, tự tin hơn và luôn được xem xét đề bạt. Trong khi người kém tiếng anh luôn cảm thấy tự ti, và luôn bị đặt trong tình trạng dễ bị coi thường (bị sếp và đồng nghiệp coi thường), không được nâng lương và đau đớn hơn là nhữngngười có chuyên môn kém hơn, bằng cấp kém hơn nhưng vì có Tiếng Anh mà có nhiều lợi thế hơn mình. Thế là niềm vui đi làm mới bắt đầu thì mình lại phải lao vào hành trình “cày” lại Tiếng Anh với kịch bản cũ như thời sinh viên, chỉ khác là mấy là hàng đêm sau những giờ đi làm mệt mỏi, phải lê lết đến các Trung Tâm Tiếng Anh nhằm gia cố lại Tiếng Anh của mình. Lúc này mình có học ở Trung tâm X và 1 khoá ở nhà cô, 1 khoá ở nhà thầy, nhưng chẳng khá lên là mấy, vẫn chẳng có gì đột phá hay tạo bước ngoặt. Một lần nữa như bao lần khác, mình lại lủi thủi rút lui và cũng lại hứa là chẳng bao giờ học tiếng anh nữa, nhiều lúc chỉ muốn phát khóc vì tiếng anh, nản không thể chịu dc nữa rồi.

Trong lúc đang tuyệt vọng, mình tình cờ quen một anh cũng là đồng hương Nghệ Tĩnh, học cùng trường nhưng hơn mình 10 khoá, anh ấy rất thành đạt và nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, không ngờ khi nghe kể câu chuyện về cuộc đời anh ấy, mình mới thật sự sửng sốt và ngỡ ngàng (sau này có điều kiện mình sẽ xin phép anh ấy post lại đoạn hồi thoại giữa 2 người cho các bạn cùng xem). Hoàn cảnh anh ấy không khác gì mình, ra trường tiếng anh dốt đặc, không biết gì nên đành làm cho công ty Việt Nam khoảng 2 năm, đến năm 25 tuổi mới bắt đầu học tiếng anh nhưng sau một thời gian học 1 năm đã xin làm cho Quỹ Châu Á, Công ty Bảo hiểm Mỹ và một năm 29 tuổi xin thành công học bổng Fulbright của Quốc Hội Mỹ (đây là học bổng khó nhất thế giới từ đó cho đến nay vẫn thế) và trở về nước thành lập công ty, sau đó chuyển vô Sài Gòn sống, đến giờ coi như đã có một cuộc sống viên mãn.Mình tự hỏi, sao anh ấy ra trường mới học Tiếng Anh mà vẫn thành công chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi, vậy tại sao mình lại không thể? Câu chuyện của anh ấy đã truyền cảm hứng cho mình, giúp mình thêm niềm tin để quay lại học tiếnganh một lần nữa. Mình đã cố gắng xin gặp anh ấy thêm một lần trong chuyến công tác ra Hà Nội để phỏng vấn về quá trình học tiếng anh của anh ấy, khi đó mình cảm động như Cụ Hồ lần đầu tiên nhìn thấy “Luận Cương Lê Nin” vậy, nó đã đánh dấu cho bước thay đổi "sự nghiệp học tiếng anh"  của mình (nghe cũng vĩ đại như sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc vậy =))).

Một sự kiện khác không kém phần quan trọng là trong một lần được giao việc đến Sở Tư Pháp mình gặp một ông người Mỹ đang làm thủ tục đăng ký xin gia hạn visa, tự nhiên đang ngồi thì ông người Mỹ chạm vào mình và xí xa xí xố...mình cứ đần mặt ra, sau đó mình nhìn vào tờ giấy thì ra toàn tiếng việt, mình đoán là ông ta không hiểu tiếng việt nên muốn nhờ mình phiên dịch để điền vào mẫu giấy kia. Thế là mình giúp ông ta, nhưng mình chả biết nói gì cả, chỉ chỉ vào mấy chỗ trống rồi nói là "your mother's name", "your father's name", date of birth (mình không nói được cả câu chỉ nói từ)... Sau khi bước ra ngoài cửa mình như vỡ oà vui sướng, vì sau 4 năm đi học không biết bao nhiêu chỗ, tốn không biết bao nhiêu tiền mà có khi nào nói được một câu với người người ngoài đâu. Niềm sung sướng thật khỏ tả. Sau 2 sự kiện này, mình đã bắt tay học lại tiếng anh và sau 9 tháng mình apply thành công vô công ty nước ngoài (mà ở đó Sếp là người Úc, Hàn Quốc)


BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

Bài học số 1: "Phải học" thay vì "nên học"Trong hơn một năm đi dạy tôi thường hỏi các học sinh của mình là "Why do you learn English?" (Tại sao bạn học Tiếng Anh?". Đa số mọi người đều nói rất là mơ hồ về động cơ học tập là muốn có một công việc tốt, muốn làm cho các hãng nước ngoài lương cao môi trường chuyên nghiệp, không học Tiếng Anh thì thất nghiệp...thậm chí có bạn đi học chỉ đơn giản là thấy bạn bè mình đi học nên cũng thấy lo lắng nên cũng đi học cho có phong trào.

Thực ra những lý do trên theo quan sát và kinh nghiệm của bản thân thì tôi nó chưa đủ mạnh, vì nó đều giống nhau ở hầu hết mọi người và sự thật là đa số các sinh viên đều mong muốn như thế và liệu có bao nhiêu người từ cái mong muốn như vậy mà có thể "làm chủ" được Tiếng Anh sau khi ra trường? Và chính những bạn nói những có mong muốn như vậy vẫn mù tịt tiếng anh cho đến khi ra trường.

Các bạn có bao giờ tự hỏi sao các bạn học hết khoá Tiếng Anh từ Trung tâm này đến Trung tâm khác tốn không biết bao nhiêu tiền của và thời gian mà lại không thể giao tiếp bằng một ông đạp xích lô, hay bán hàng rong ở trên Bờ Hồ không? Các bạn đừng vội khinh họ nói Tiếng Anh "bồi", các bạn cứ "bồi" được như họ thử coi? Họ không có điều kiện để học những khoá học bài bản, mua sách ngữ pháp hay từ vựng để học và cuộc sống không cho phép họ phải mất 4-5 năm mới nói được Tiếng Anh, vì nếu phải mất 4-5 năm mới có thể bán được hàng cho Tây thì họ đã chết đói lâu rồi, họ buộc phải học Tiếng Anh vì nếu không ngày hôm đó không bán được hàng thì tối sẽ phải nhịn đói, còn chúng ta "nên học" tiếng anh nếu không thì không có một cuộc sống tốt, chính vì nghĩ như vậy nên giả sử mà không học hay học lớt phớt thì vẫn sống bình thường chả chết ai.

Do vậy hãy đặt mình vào hoàn cảnh "phải học" thay vì "nên học", vì bản thân từ "nên"vốn đã chứa đựng con đường lùi và lựa chọn khác. Do vậy hãy xác định lại động cơ: Tại sao lại phải học? và nghiêm túc suy nghĩ về điều đó. Gia đình không có nhiều tiền để cho các bạn phải học hết khoá này đến khoá nọ đâu? Và tuổi trẻ cũng không kéo dài bất tận để các bạn thoải mải phung phí.

 "If you really want something, you can figure out how to make it happen."(nếu bạn thực sự muốn điều gì đó, bạn sẽ tìm được ra cách để đạt được nó) (Cher)
Bài học thứ 2: Nghe → Nói → Đọc → Viết

Có lẽ các bạn không hề lạ lẫm với cụm từ mà gần như đã trở thành "kinh thánh" của những người học Tiếng Anh là "Nghe - Nói - Đọc - Viết". Ngày xưa khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã nghe thấy cụm từ này xuất hiện khá nhiều trong các catalog giới thiệu của nhiều Trung tâm Anh ngữ, và tôi đoán là các bạn cũng đã nhìn thấy hay nghe về nó nhiều rồi. Nhưng kỳ thực, biết cũng chỉ là để biết vậy thôi, chứ tôi thấy "cụm từ" đó vô nghĩa. Có lần tôi cũng tự nghĩ tại sao "thứ tự" của nó lại là "Nghe - Nói - Đọc - Viết" mà không phải là"Đọc - Nghe - Viết - Nói" hay đại loại vậy.

Sau một thời gian rất dài 5 năm tôi mới hiểu ra một chân lý rất đơn giản nhưng chỉ tiếc ngày xưa chẳng có ấn tượng gì. Đó là quy trình học ngoại ngữ tự nhiên của một đứa trẻ là "Khi sinh ra một đứa bé chỉ nghe, nghe những người xung quanh ông/bà/cha/mẹ/anh/chị.... nói, thậm chí nghe không hiểu gì, đến 2-3 tuổi nó bắt đầu chập chững lõm bõm nhại lại được vài từ, rồi thành câu, thành đoạn, sau khi nói khá thành thạo và trôi chảy, lên độ 4-5 tuổi nó mới bắt đầu học chữ cái, học từ, và đến tận cấp 1 mới bắt học những khái niệm như "chỉnh tả, ngữ pháp". Khi đó tôi rất ngạc nhiên, vì đơn giản như vậy mà tôi phải mất 5 năm mới nhận ra, chính vì đảo lộn quy trình này làm tôi sai phương pháp học, tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức mà khi ra trường vẫn phải đi mua chứng chỉ C. Đúng là cái gì càng đơn giản lại khó nhận ra giá trị ^^
Lúc trước, tôi và có lẽ cũng như bao người khác biết Tiếng Anh không gì khác ngoài những ý niệm đầu tiên về "ngữ pháp" và "từ vựng". Sau khi lên đại học tôi đã cất công học không biết bao nhiêu khoá ngữ pháp, từ vựng mà mãi không lên được, càng ngày càng nhàm chán. Đến giờ tôi mới hiểu là mình đã đi ngược lại quy trình tự nhiên của việc học một ngôn ngữ, đảo lộn trình tự tự nhiên của nó, mà cái gì phản tự nhiên cũng là không tốt. 

Sau đó, tôi quay ngược lại hoàn toàn và bắt đầu thử áp dụng thứ tự "Nghe - Nói - Đọc - Viết" bằng việc lấy "nghe" làm nền tảng và tiền đề, bắt đầu công cuộc thay máu Tiếng anh. Và rất may mắn tôi đã đúng, khi lựa chọn hướng này.

Chúng ta đã quá chú trọng học ngữ pháp một thời gian dài mà bỏ quên mất giai đoạn quan trọng có tính chất "bản lề" là “Nghe”, hãy nghe thường xuyên liên tục không được ngắt quãng, học từ vựng từ bài nghe đó, cứ như thế tai bạn sẽ quen và nhạy cảm dần vớ icác âm thanh lạ, khi đó theo thời gian lượng từ vựng của các bạn cũng tăng lên. Nên nhớ chúng ta đã nghe Tiếng Việt hơn 18 năm vì vậy cần 2-3 năm để nghe tiếng anh liên tục như 1 đứa trẻ con bên Anh khi sinh ra. Nhiều người nghĩ là chờ học xong vài khoá ngữ pháp và tích luỹ đủ vốn từ mới nghe thì là sai lầm, bạn phải nghe ngay cả khi chưa hiểu!

Thế còn Ngữ pháp thì sao? Các bạn cần biết một "sự thật" đơn giản và lâu đời rằng ngôn ngữ NÓI có trước ngôn ngữ VIẾT. Nói cách khác, trước khi chữ viết được phát minh ra thì con người dùng “âm thanh” để giao tiếp, truyền tín hiệu cho nhau hàng ngàn năm rồi, mãi sau người ta mới nghĩ ra "chữ cái" để ghi chép lại thì mới có cái gọi là “ngữ pháp”. Ngữ pháp thực chất là “thể hiện” lại những quy tắc, cấu trúc, cách dùng từ mà người ta hay NÓI với nhau mà thôi, họ tập hợp lại các quy tắc khi NÓI thành NGỮ PHÁP, và dùng nó để dạy cho trẻ con tiểu học và người nước ngoài. Vì vậy trong NÓI đã có NGỮ PHÁP rồi.
Nhiều bạn băn khoăn là người bản ngữ nói sai ngữ pháp. Tất nhiên, nhưng không nhiều, bạn nghe sẽ thấy cách sử dụng tính từ, các thì… đều rất hợp lý (sau khi nghe sau bạn giở transcript), tất nhiên sai là có vì văn nói mà, nhưng không đáng kể đến mức đảo lộn hoàn toàn ngữ pháp đâu. Về cơ bản trong văn nói có ngữ pháp.

Vì vậy khi các bạn nghe nhiều thì các các cấu trúc ngữ pháp, cách dùng từ sẽ thấm vào đầu các bạn. Sau này các bạn học Ngữ pháp sẽ dễ dàng hơn vì đã quá quen với các cấu trúc này.

Lời khuyên: Nếu các bạn (đặc biệt là những người mất gốc) vẫn đang hì hục, loay hoay với mấy chục "thì" của ngữ pháp, hay đang đau đầu với các bài tập chia động từ, điền từ vào chỗ trống, thì hãy thử thay đổi bằng cách nghe nghe liên tục trong 3 tháng xem sao?. Nói như vậy, không có nghĩa là các bạn ăn rồi chỉ mỗi nghe, mà vẫn có thể học song song với 'ngữ pháp', chỉ là đừng bỏ quên "Nghe" và cũng đừng nghĩ rằng chỉ nghe 3 tháng xong rồi thôi, mà hãy nghe suốt đời (nếu bạn vẫn còn sống và tiếp tục học tiếng anh). Nghe thụ động cũng rất quan trọng để tai bạn bắt đầu làm quen với các âm thanh lạ, vì các bạn đã nghe Tiếng Việt hơn 20 năm rồi, nhiều người nói nghe thụ động không hiểu chờ sau khi học từ vững nhiều sẽ nghe, đó là quan điểm sai lầm vì rằng chính không hiểu nên mới phải ngồi để nghe, nghe lẫn học từ chứ có ai bắt bạn chỉ nghe không thôi đâu, việc làm quen với các âm thanh  lạ là điểu rất quan trọng, khi những âm thanh đó đã thấm thấu vào não và tiềm thức, khả năng là bạn cũng sẽ dễ dàng bật ra những âm đó khi nói)


Bài học số 3:  Thường xuyên và liên tục

Bài học quý giá nhất mà mình rút ra được sau hơn 12 năm học tiếng anh, bất kể xuất phát điểm về Tiếng Anh của bạn như thế nào (là tổng kết trên 8.0 hay đã từng đi thi học sinh giỏi cấp thị hay tỉnh) thì nó sẽ thui chột, và dần biến mất nếu bạn không sử dụng nó một cáchliên tục và thường xuyênTrong Tiếng Anh “gián đoạn là tự sát”.

Thách thức của các bạn không phải là Từ Vựng - Ngữ Pháp hay Phát Âm mà là "lòng kiên trì". Tổng thống của Hoa Kỳ Calvin Coolidge từng nóii: "Nothing in this world can take the place of persistence. Talent will not; nothing is more common than unsuccessful people with talent. Genius will not; unrewarded genius is almost a proverb. Education will not; the world is full of educated failures. Persistence and determination alone are omnipotent". (Không có gì trên thế gian này có thể thay thế được lòng kiên trì. Tài năng cũng không, bởi lẽ cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi mà không thành công. Năng khiếu cũng không, vì rất nhiều thiên tài không được công nhận. Giáo dục cũng không, vì thế gian đầy ắp những người có học nhưng không được tuyển dụng và nhìn nhận. Chỉ có sự kiên trì và lòng quyết tâm là thể hiện được sức mạnh vô hạn.”

Nhiều sinh viên loay hoay đi học một vài ba khóa ngữ pháp căn bản, hay phát âm, từ vựng…hứng thú được mấy buổi đầu, rồi đến cuối khóa vì  bận ôn thi cử (đại học học giả nhưng thi thật) nên lại xao nhãng việc học Tiếng Anh, nghỉ hè được về quê một vài tháng lại bỏ bê và sau đó vào năm học mới lại với tinh thần quyết tâm học Tiếng Anh bằng cách đi đăng ký lại cũng cái khóa ngữ pháp căn bản đó. Cứ như vậy, đâu lại vô đó, loay hoay mãi cuối cùng khi nhìn lại thì đã hết 4 năm đại học (thời gian không chờ đợi ai), đến lúc ra trường lại một lần nữa luống cuống tìm trung tâm học, lên mạng search điên đảo, hỏi điên loạn rồi thì……lại dẫm chân ở điểm xuất phát ban đầu, lại cảm thấy chán nản và mệt mỏi, thậm chí là sợ Tiếng Anh, thấy Tiếng Anh là cái gì đó xa lạ, và nhìn những người giỏi tiếng anh mà chỉ trầm trồ thán phục. Những người mất gốc dễ rơi vào cảm giác chán nản, giao động và khó kiên trì trong giai đoạn tái tạo lại nền tảng ban đầu. Lời khuyên của mình là các bạn phải hết sức bình tĩnh, chỉcó bình tĩnh thì mới nhìn thấu đáo mọi vấn đề đang phải đối mặt và từ đó mới cóthể tìm được cách để giải quyết. 

Trong việc học Tiếng Anh tính "thường xuyên và liên tục"quan trọng hơn "nhiều mà gián đoạn". Có nghĩa là nếu bạn tập trung học1 ngày 5-6 tiếng trong vòng 1 tuần, sau đó lại nghỉ 1 thời gian, rồi lại học lại, hoặc tuần này học liên miên cả tuần, nhưng lại nghỉ 1 tuần, tuần khác lại bắt đầu lại hoặc tháng này học liên tục mấy tiếng/ngày nhưng học một vài tháng rồi lại nghỉ, sau đó lại bắt đầu thì như vậy không hiệu quả bằng 1 người học Tiếng Anh 30-45'/ngày mà học liên tục, thường xuyên trong 1 năm trời. Bạn có thể không ăn gì trong một ngày không? không đánh răng hay tắm rửa một ngày không?...Nếu câu trả lời là không thì bạn cũng không có lý do để nguỵ biện cho việc học Tiếng Anh, hãy coi việc học tiếng anh hàng ngày như là một thói quen ăn uống và đánh răng, khi đó bạn không thể thiếu nó được.
                
Có người hỏi: "Tôi học Tiếng Anh 4-5 tiếng 1 ngàymà còn không ăn thua, vậy 30 – 45’ thì làm nên được điều gì?”
Nếu bạn học 4-5h một ngày mà chỉ kiên trì dc 1 tuần, 1 tháng hoặc tuần học tuần nghỉ, tháng học tháng bỏ thì không bằng người học 1 năm liên tục với 30' mỗi ngày, thực ra mới nghe thì thấy dễ và đơn giản, nhưng không tin bạn thử tập thói quen 1 ngày học 30-45' trong vòng 6 tháng thôi (chưa nói 1 năm), thì là vô cùng khó. Duy trì thói quen liên tục trong 365 ngày là điều vô cùng khó, chứ không đơn giản như các bạn vẫn nghĩ. Nếu không tin hãy cứ thử 3 tháng coi?

Có người khác cho rằng: “vì bận việc học hành, thi cử, tán gái, có những lúc có việc riêng, ốm đau...thì cũng phải có ngày nghỉ chứ.”
→ Mình xin khẳng định luôn "Môi trường có ảnh hướng rất lớn, nhưng nó không có tính quyết định, mà chính bạn là mới là yếu tố quyết định". Bất kỳ bạn học cái gì mỗi ngày, từ vựng - ngữ pháp, phát âm, nghe nhạc hay xem phim.. học gì cũng được nhưng ngày nào cũng phải học đều đặn.
Nếu bạn ốm nhẹ, nghỉ ở nhà không đi học vẫn có thể xem một bộ phim Mỹ để luyện tiếng anh, kèm theo cuốn sổ take note để ghi lại những câu giao tiếp hay.

Nếu các bạn đang phải đợi để giải quyết công việc gì đó, hay đang chết thời gian ở bến xe bus, trên đường đi...vẫn có thể luyện nghe. Luôn có 1 cái ipod, điện thoại, hoặc nghèo nhất cũng phải có 1 cuốn sổ từ mang theo bên mình để review lại bất kỳ lúc nào có thể, bạn có thể vừa nhặt rau vừa nghe, vừa tập thể dục vừa nghe, vừa ăn cơm vừa nghe bản tin VOA, BBC...

Nhiều người khi vào năm học hào hứng học Tiếng Anh được một vài tháng, đến khi ôn thi lại lấy lý do bận ôn thi xao nhãng việc học, rồi lại đợi ra Tết học luôn thể, ra Tết kịch bản lại như cũ lại đợi nghỉ hè bắt tay vào học, và hết hè lại lên lại như vậy.

Trong việc học Tiếng Anh, "tần xuất quan trọng hơn cường độ", nếu duy trì tần xuất liên tục thì hiệu quả cao hơn là chỉ tập trung trong 1 giai đoạn ngắn.

Ngừng việc đưa ra lý do mà thay vào đó là lên kế hoạch để học tập và kiên trì theo đuổi đến cùng dù thực tế xảy ra những chuyện phức tạp ngoài ý muốn.
  • Ai đó sẽ nghi ngờ: Học 30-45' không tạo được sự đột phá.
→ Đẳng cấp và sức mạnh của một người không thể xây dựng trong một ngày, không thể sau một đêm xây được thành La Mã. Bà mẹ nào cũng phải mất 9 tháng 10 ngày để sinh ra một em bé, sinh viên nào cũng đều mất 4 đến 5 năm thậm chí 6 năm mới có thể tốt nghiệp đại học. Do đó, đừng bao giờ nghĩ chỉ một thời gian ngắn vài tuần hay vài tháng mà có thể tạo nên kỳ tích. Mọi thứ đều cần thời gian. Nếu nói đến đây mà bạn vẫn không tin bạn hãy hỏi những ngườigiỏi Tiếng Anh xung quanh bạn xem "thâm niên trong việc học và sử dụng TiếngAnh của họ là bao lâu?", có một số trong vòng 6 tháng cũng có đột phá (song số này rất ít vì phụ thuộc vào thời gian, tiền bạc, môi trường và sự quyết tâm), ngay cả họ trong 6 tháng có tiến bộ vượt bậc thì bạn cũng hãy tin rằng nó chính là tiếng anh cơ bản, bề nổi thôi, còn nền tảng và bề dày Tiếng Anh phải được xây dựng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Tích luỹ đủ về lượng sẽ biến đổi về chất (hãy nhớ điều này).

Lời khuyên của một thầy giáo Simon như sau: "It's important to be realistic about the time it takes to improve your ability to speak, write or understand a second language. It's a really difficult task. There is no magic recipe for success and there are no shortcuts. Take your time, work hard and be patient" 

Có nhiều người ngây thơ tin rằng chỉ ôn IELTS, TOEFL-IBT trong vài tuần hay vài tháng là thi được 7.0 hoặc 100 điểm, nhưng lưu ý rằng họ đã có một nền tảng và bề sâu ngoại ngữ rất tốt rồi, họ đã học và dùng Tiếng Anh từ rất lâu, vài tuần chỉ là họ làm quen với đề thi mà thôi. Tôi có biết một người trong 2 tuần ôn thi IELTS được 8.0, nhưng trước đó cậu ta đã mất mấy năm học SAT và TOEFT và nền tảng Tiếng Anh của cậu ta rất khủng, vài tuần chỉ để nắm bắt format đề và tips thi IELTS thôi. Các bạn thấy em Đỗ Nhật Nam, thực ra em ấy đã đọc hàng ngày cuốn sách tiếng anh, nghe và xem tiếng anh liên tục, nền tảng của em ấy đã là quá tốt cho dù có thi TOEIC, IELTS thì sẽ vẫn có kết quả cao. Để dễ hiểu các bạn hãy liên hệ với kỳ thi Đại học của các bạn, nếu nền tảng của các bạn tốt, học lực tốt thì dù thi "trắc nghiệm" hay "tự luận" mình tin là các bạn vẫn sẽ đạt kết quả tốt mặc dù các hình thức thi có khác nhau, đòi hỏi tips mẹo khác nhau song vẫn phải dựa trên nền tảng kiến thức của các bạn.

Bênh cạnh đó, nếu bạn bảo 30-45' không có tiến bộ, vậy bạn và mọi người có thời gian để cày cuốc 4-5 tiếng/ngày không? Tôi nghĩ có, nhưng hiếm vì chẳng ai nhiều thời gian để làm vậy cả, với lại khả năng tập trung của con người có hạn, bạn chỉ có thể tập trung tốt trong khoảng 1 tiếng, cùng lắm là 2 tiếng, nếu quá thời gian đó đa số chúng ta không còn hiệu quả nữa. Nếu bạn vẫn còn tin vào những khẩu hiểu như sau 3 tháng, 6 tháng gì đó từ một người mất gốc mà có thể làm chủ tiếng anh, thi IELTS 6.5 thì khả năng cao là bạn sẽ trở thành nạn nhân của những trò PR quảng cáo của mấy trung tâm Tiếng  Anh mà thôi.


Bài học thứ 4Tìm kiếm giải pháp thay vì kêu ca vấn đề

Nếu bạn dốt tiếng anh thì đừng kêu ca là mình dốt, mà thay vào đó hãy tìm, gặp, hỏi những người khác kinh nghiệm làm thế nào để cải thiện tiếng anh, và cố gắng áp dụng theo những điều họ nói. Nếu không gặp trực tiếp thì nhắn tin, gọi điện...dù bằng cách này hay cách khác. Cá nhân mình nghĩ, không ai nỡ lòng nào lại từ chối chia sẻ kinh nghiệm cho một người có lòng cả, nếu bạn quyết tâm và chân thành sẽ có người giúp bạn thôi (Những con người này đã giúp tôi thế nào tôi sẽ nói trong phần sau). Hãy tìm tới những người bạn, những môi trường mà ở đó có áp lực học tiếng anh, nếu bạn sống trong một phòng trọ toàn những đứa không có ý chí học tiếng anh, bạn sẽ bị cuốn theo họ, đến lúc giật mình thì đã muộn. Và cũng đừng để cho những con người đó làm lu mờ ý chí của bạn. Nếu bạn muốn học tiếng anh mà họ nói với bạn "Thôi học làm gì, cũng có để làm gì đâu". Bạn hãy trả lời "Chúng ta không giống nhau điểm này nên sẽ không nói với nhau về chuyện này nữa, và tất nhiên chúng ta vẫn là bạn".

Bài học thứ 5Nỗi lòng của những kẻ mất gốc

L
úc mới học tiếng anh việc bạn không biết gì, không hiểu gì là điều không tránh khỏi, khó khăn chính là ở những lúc thế này, do vậy sẽ có nhiều nguời cười bạn, tỏ ra coi thường bạn, họ sẽ nói với bạn rằng: "từ này mà không biết hả?"? Đừng vội nản, ai cũng có điểm bắt đầu, những người giỏi cũng từng là những nguời không biết gì. Tôi sớm chán vậy là vì những câu nói hay những lời chê bai của những người bạn, những người xung quanh mình, hi vọng các bạn làm chủ được cảm xúc của mình hơn tôi ngày xưa. Có lần tôi hỏi đứa bạn tôi, dấu tích phân /ʃ/ này trong tiếng anh là gì thế? Thế là nó cười phá lên làm tôi rất tủi thân, và khổ sở. Tôi nghĩ các bạn dốt cũng chẳng dốt như tôi ngày xưa đâu, và có nghèo cũng không đến mức phải tới năm 3 mới có máy tính nối mạng để dùng, đừng vội buông xuôi vì những lời chê bai của người khác, bởi vì họ nói thế nào cũng không thể sống thay cuộc sống của bạn được, tự bạn phải quyết định điều đó.


Mình đã dành hơn 5 tiếng để viết note này, nếu các bạn đọc đến đây mà vẫn thấy hay thì hãy share nó cho những người khác cũng đang phải vật lộn với Tiếng Anh như bạn. Nếu bạn cho đi một quả táo bạn sẽ mất đi một quả táo, nhưng nếu bạn cho đi tri thức, kinh nghiệm thì bạn không hề mất đi mà còn lan toả giá trị cho cộng đồng. Nếu bạn sẵn lòng chia sẻ thì bạn sẽ nhận được sự sẻ chia. Đừng giữ nó riêng cho mình (share to be shared).

Và nếu bài Note này có thể mang lại cho bạn cảm hứng, động lực (dù chỉ là một chút) để bạn có thêm niềm tin tiếp tục hành trình chinh phục Tiếng Anh của mình thì công sức tôi bỏ ra để viết đã không bị lãng phí. 


Mỗi lúc bạn cảm thấy chán nản, chùng bước và muốn bỏ cuộc hãy nhớ đến câu nói: What doesn't kill you makes you stronger (Điều gì không thể hạ gục được bạn thì sẽ làm bạn mạnh lên). Dù có gặp trở ngại gì thì đừng bỏ cuộc, vì nếu từ bỏ "trò chơi" sẽ chấm dứt và mọi công sức, thời gian, tiền bạc của bạn đều đổ xuống sông xuống biển.

Chúc các bạn học tốt và nhớ là đừng từ bỏ ^^

Admin
Mất Gốc Tiếng Anh: https://www.facebook.com/matgoctienganh

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »

4 nhận xét

nhận xét
lúc 07:57 4 tháng 12, 2014 delete

Cảm ơn bạn vì chia sẻ !

Reply
avatar
lúc 03:26 9 tháng 9, 2016 delete

cảm ơn a đã mang lại cho tôi động lực để tiếp tục chinh phục con đường phía trước...!

Reply
avatar
lúc 10:02 19 tháng 1, 2017 delete

Lúc trước mình cũng bị mất gốc hoàn toàn Tiếng Anh, nhưng nhờ có một người bạn chỉ mình biết đến trung tâm Emas ở đường Sư Vạn Hạnh!
Mình học bên Emas đã gần được 1 khóa rồi mình thấy rất hài lòng với trung tâm vì có đội ngũ giáo viên thì giàu kinh nghiệm, giá học phí thì phù hợp với học sinh, sinh viên. Phương pháp học tập rất là phù hợp với sinh viên hay người đi làm.
Tại sao bạn không đến tư vấn và học thử! Hãy thử vì nó miễn phí!

Reply
avatar
lúc 07:09 13 tháng 7, 2017 delete


Bạn nên chuẩn lại từ đầu cách học của mình bao gồm ngữ pháp, phát âm. Có rất nhiều trung tâm dạy tiếng anh cho người mất gốc. Mỗi trung tâm có cái hay riêng. Tuy nhiên, mình cảm thấy phương pháp của trung tâm emas là phù hợp cho người bận rộn như mình. Mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều so với trước rồi. Bên đó có buổi học thử để trải nghiệm đó. Bạn đăng ký học thử xem sao.

Reply
avatar